Khi mới chập chững làm quen với công việc của một lập trình viên, chắc chắn bạn sẽ thường xuyên gặp nhiều vướng mắc và cần có sự hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm hơn. Kể cả khi bạn đang rất cần sự hỗ trợ thì việc “cầu cứu” nơi công sở cũng không phải là việc dễ dàng mở lời. Lo lắng đồng nghiệp sẽ đánh giá thấp khả năng của bạn, sợ gây phiền hà cho công việc của sếp hoặc đơn giản là chính bạn sẽ cảm thấy bản thân như một người “thua cuộc”. Gạt bỏ mọi e ngại và rào cản, hãy bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ một cách đúng đắn.
Đề nghị sự giúp đỡ đơn thuần là một kỹ năng, do đó bạn hoàn toàn có thể học hỏi được. Khi bạn hiểu được thời điểm và cách thức phù hợp nhất để đưa ra đề nghị giúp đỡ thì chính là lúc bạn hoàn toàn làm chủ được kỹ năng “sống còn” này.
1. Một số sai lầm thường mắc phải
Yêu cầu quá nhiều hoặc quá ít!
“Giúp tôi! Giúp tôi! Giúp tôi! Giúp tôi!” Dĩ nhiên bạn có nhiều câu hỏi: source code của dự án mới hoặc những công nghệ mới… Nhưng nếu cứ 10 phút là một câu hỏi được đưa ra cho các Leader thì chắc chắn bạn đã phạm phải một sai lầm. Không chỉ khiến công việc của Leader bị cản trở mà bạn cũng mất rất nhiều thời gian để chạy theo họ thay vì tự mình nghiên cứu, tìm hiểu.
Ngược lại, hãy tìm một cái bút, viết tất cả mọi thắc mắc của bạn lên giấy. Chọn một thời điểm thích hợp: Leader của bạn có thời gian rảnh hoặc bạn đã để cho họ “nghỉ ngơi” vài tiếng sau lần hỏi cuối cùng, đây chính là lúc bạn đi đến và hỏi tất cả cùng một lúc. Rõ ràng, bạn không chỉ đang tự tạo cơ hội cho bản thân tự tìm hiểu mà còn khiến sếp của bạn hài lòng hơn với phong cách làm việc chuyên nghiệp.
“Tôi không cần sự giúp đỡ!” Đề nghị sự giúp đỡ dễ khiến bạn xấu hổ, thật sự là thế, đồng thời độc lập tìm hiểu nhiều thứ cũng sẽ giúp bạn tích lũy một cách tốt hơn. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công việc, nếu bạn cứ chần chừ hay nhất quyết không cần đến sự hỗ trợ thì bạn không những lãng phí thời gian, làm người quản lý khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ cũng như chất lượng công việc.
2. Nhận biết thời điểm để hỏi với phương pháp Timeboxing
Timeboxing là gì? Timeboxing là việc cố định một khoảng thời gian để làm một công việc cụ thể và cố gắng để làm tốt nhất trong khung thời gian đó. Vì thế thay vì phải làm một công việc liên tục cho đến khi hoàn thành trong một lần, người ta sẽ chia nó ra làm các giai đoạn tương ứng với mỗi Timebox (khung thời gian) khác nhau.
Vậy làm thế nào để biết được chính xác thời điểm nào bạn thực sự cần đến sự giúp đỡ? Đầu tiên bạn cần phải có kế hoạch. Bằng cách xác định được khoảng thời gian cần thiết đủ để làm đầu việc được giao, sau đó thiết lập một Timebox và đặt “chuông báo” tương ứng để cảnh báo cho bạn thấy rằng: “Thời hạn đã hết, đã đến lúc cần đến sự giúp đỡ”.
Dưới đây là các bước cụ thể:
- Khi Leader đưa ra một yêu cầu công việc, hãy tự vấn bản thân xem cần bao lâu để hoàn thành nó. Sếp bạn sẽ nói những câu kiểu dạng như: “Công việc này cần phải được hoàn thành trong vài ngày, nhưng tốt nhất là nên làm trong một ngày thôi”. Rõ ràng mục tiêu của bạn là cần phải hoàn thành trong thời gian ngắn nhất: một ngày
- Khi bạn đã biết được deadline, hãy thiết lập một Timebox, một khoảng thời gian giới hạn sao cho ngắn hơn deadline của bạn. Nếu bạn có một ngày để hoàn thành công việc thì Timebox của bạn nên đặt trong ba tiếng đồng hồ.
- Cuối cùng, bắt tay vào làm ngay thôi. Khi bạn đã chạm đến mốc thời gian đặt ra ở Timebox, hãy xem xét lại toàn bộ quá trình thực hiện công việc của bạn: nếu bạn thấy mọi thứ tiến triển tốt, thì thiết lập thêm một Timebox khác và tiếp tục làm việc. Còn trong tình huống mà bạn thấy vẫn hoang mang, không có thay đổi gì, thì đây chính là lúc bạn cần đứng dậy và đề nghị được giúp đỡ.
- Điều quan trọng là bạn cần xác định Timebox sao cho thích hợp nhất với Deadline. Ngay như ví dụ trên, Timebox ba tiếng là hoàn toàn hợp lý với Deadline một ngày. Vì khi bạn đề nghị sự giúp đỡ sau ba tiếng thì yêu cầu đó vẫn chưa quá muộn bởi bạn vẫn còn đủ thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Ba tiếng cũng không phải quá sớm vì bạn đã cố gắng tự tìm hiểu trong khoảng thời gian đó.
3. Học được nhiều hơn (và gây ấn tượng tốt) khi yêu cầu giúp đỡ
Khi bạn đã chạm đếm giới hạn thời gian trong Timebox và bạn đang cần sự giúp đỡ: Làm thế nào để bạn có thể thu được nhiều giá trị nhất từ câu hỏi của bạn?
4. Đừng hỏi những câu hỏi đóng (Yes/No): “Tôi có nên làm theo cách này?”
Nếu bạn chỉ hỏi những câu hỏi đóng với Leader của bạn, thì bạn sẽ chỉ thu được rất ít thông tin hữu ích. Thay vào đó, hãy hỏi những câu hỏi mở kiểu như “ Vấn đề này nên được giải quyết như thế nào”, “ Kết quả của điều này nên là cái gì?’..
5. Tự đưa ra một câu trả lời tiềm năng nhất cho câu hỏi của chính mình
Đó có thể không phải là câu trả lời tốt nhất và đương nhiên hoàn toàn có thể không phải câu trả lời chính xác vì bạn đang không chắc chắn nên mới đề nghị giúp đỡ. Bạn nên hỏi những câu có dạng như: “ Tôi cho rằng cái này tốt nhất nên làm theo cách này, bởi vì X và Y, nhưng vẫn còn một ít băn khoăn, chưa chắc chắn, anh/chị có thể giải thích nó?”
Bạn nên làm điều này vì nó có thể giúp ích rất nhiều điều:
- Khi cố gắng, ép buộc bản thân phải nghĩ ra một câu trả lời phù hợp nhất, chắc chắn sẽ khiến bạn học được nhiều hơn. Thỉnh thoảng nếu may mắn đây sẽ chính là đáp án mà bạn tìm kiếm khiến bạn không cần phải yêu cầu giúp đỡ nữa.
- Nó thể hiện với quản lý của bạn rằng bạn đã nỗ lực hết sức trong việc tìm kiếm câu trả lời, khiến sếp đánh giá bạn cao hơn.
- Nó giúp sếp của bạn hiểu được rằng bạn còn thiếu sót những điều gì. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ có một khoảng thời gian dễ dàng hơn để giúp bạn.
Lần tới khi quản lý của bạn giao cho bạn một nhiệm vụ, hãy áp dụng ngay những quy tắc này nhé. Chắc chắn bạn không chỉ học được nhiều hơn mà họ cũng sẽ hạnh phúc hơn!
Nguồn: codewithoutrules.com